Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Thập Thiện

là mười điều lành, thể hiện qua thân, khẩu, ý.

1.- Thân có ba nghiệp thiện: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

2.- Khẩu có bốn nghiệp thiện: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lật lọng (nói lưỡi đôi chiều), không nói lời hung ác.

3.- Ý có ba nghiệp thiện: không tham lam, không sân hận, không si mê. Thập Thiện là pháp môn dung thông vạn hữu với tâm mình, là pháp môn buông xả những hành vi ác của thân, khẩu, ý. Nhờ pháp môn Thập Thiện này mà vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ mới tùy thuận lẫn nhau, mới chung sống với nhau, mới hoàn mãn sự giải thoát nơi tâm hồn mình.

Vạn hữu không còn là chướng ngại. Vạn hữu là tâm mình, tâm mình là vạn hữu; Thập Thiện là tâm mình, tâm mình là Thập Thiện. Thập Thiện là pháp môn buông xả những hành vi ác của thân, khẩu, ý. Nếu nghiệp ác dần dần buông xuống thì nghiệp thiện dần dần hiện lên.

Nếu từ thân, khẩu, ý xuất phát những điều thiện thì giải thoát bệnh tật, tai nạn, phiền não, khổ đau cho thân và tâm hồn. Ngược lại, khi thân, khẩu, ý xuất phát những điều ác thì liền có sự khổ đau, sân hận, âu sầu, lo lắng và bệnh tật.

Thân, khẩu, ý hành Thập Thiện thì từ khổ đau biến thành an vui; từ bệnh tật, đau ốm trở thành mạnh khỏe sống lâu, bởi vì nghiệp thiện luôn luôn che chở, giải thoát cho tâm khỏi cảnh đau khổ. Ví như có người chửi mắng mình mà mình hành pháp nhẫn nhục không chửi mắng lại, thì cảnh đang động (người chửi mắng) biến thành cảnh tịnh, cảnh khổ biến thành cảnh an vui.

Như vậy hành động Thiện (nghiệp THIỆN) đem lại cho chúng sanh thoát khỏi bệnh tật, khổ đau. Thập Thiện là đường đi đạo đức nhân bản - nhân quả của con người, nên nó là bộ sách đạo đức suốt cả một đời người, vì thế phần nội dung Thập Thiện rất phong phú không thể tính số được, chỉ tùy trình độ biên soạn, cũng tùy vào trình độ của tu sinh tiếp thu, nên sự soạn thảo hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng.